Bài 20 : Vai trò giải quyết đơn tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự như thế nào?

Liên quan đến việc thi hành án căn nhà số 10 Kim Mã (nay là số 194 Kim Mã), sau khi ông Ích có đơn tố cáo ông Lê Quang Tiến – Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hà Nội, mới đây nhất, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tiếp tục chuyển nội dung tố cáo này của ông Ích đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án giải quyết. Vậy vai trò giải quyết của Tổng cục Thi hành án như thế nào?

Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí cùng các đơn thư tố cáo của ông Mai Công Ích phản ánh những sai phạm của vụ thi hành án tại 194 Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, ngày 30/5/2017 Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có văn bản số 342/PCĐ-ĐĐBQH gửi Đồng chí Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, theo đó chuyển đơn tố cáo của ông Mai Công Ích tới Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người có đơn và thông báo kết quả giải quyết đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Bài 20 : Vai trò giải quyết đơn tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự như thế nào?
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị làm rõ tố cáo Cục trưởng Cục thi hành án TP Hà Nội.

Như thông tin Báo Dân trí đã đưa tin, là người được thi hành án và đã mua tài sản từ chính cơ quan thi hành án, nhưng sau gần hai thập kỷ quản lý, sử dụng nhà đất đã mua hợp pháp này, ông Mai Công Ích bỗng nhiên nhận được Thông báo thi hành án của Cục THADS TP Hà Nội buộc ông phải giao lại nhà đất số 10 Kim Mã (nay là số 194 Kim Mã)để tổ chức lại việc thi hành án dù những người được thi hành án trong vụ việc này không hề có đơn yêu cầu. Việc cơ quan thi hành án dân sự lật lại vụ việc và vội vã tổ chức bán đấu giá tài sản một cách khó hiểu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của gia đình ông Ích, có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về thi hành án.

Vì vậy, ngày 25/04/2016, ông Ích đã làm Đơn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Quang Tiến – Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội tới Tổng cục THADS. Ông Ích khẳng định, trong quá trình giải quyết THA, ông Lê Quang Tiến – Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội đã ban hành các Quyết định, Thông báo THA trái pháp luật; không có cơ sở pháp lý, không khách quan, có dấu hiệu bao che cho sai phạm cấp dưới, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông. Ngày 06/10/2016, ông Mai Công Ích tiếp tục làm Đơn tố cáo ông Lê Quang Tiến tới Tổng cục trưởng Tổng cục THADS nhưng đến nay Đơn thư tố cáo của ông vẫn không được giải quyết triệt để.

Ngày 30/5/2017, căn cứ vào Luật Khiếu nại, căn cứ vào Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có văn bản số 342/PCĐ-ĐĐBQH, theo đó chuyển đơn tố cáo của ông Mai Công Ích tới đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục THADS để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời người có đơn và thông báo kết quả giải quyết đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Bài 20 : Vai trò giải quyết đơn tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự như thế nào?
Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết tố cáo Cục trưởng Cục thi hành án Hà Nội của người dân.

Để làm rõ hơn trách nhiệm của Tổng cục THDS trong quá trình giải quyết Đơn thư tố cáo của công dân, PV Dân Trí đã có buổi làm việc với luật sư Nhâm Mạnh Hà (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội).

P/v: Thưa luật sư, Tổng cục THADS có vai trò như thế nào trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Theo quy định tại Khoản 6, Điều 2 Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp thì Tổng cục THADS có nhiệm vụ “giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành án dân sự, quản lý thi hành án hành chính, đôn đốc thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 13 Luật Tố cáo 2011 về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước thì “Tổng cục trưởng, Cục trưởng và cấp tương đương được phân cấp quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc Tổng cục, Cục và cấp tương đương, cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp”.

Như vậy, pháp luật quy định rất cụ thể về vai trò, trách nhiệm của Tổng cục THADS trong quá trình giải quyết đơn thư tố cáo của công dân, tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc để công dân có thể thực hiện quyền của mình, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bài 20 : Vai trò giải quyết đơn tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự như thế nào?
Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.

P/v: Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn để Tổng cục THADS giải quyết tố cáo là trong bao lâu?

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Theo quy định tại Điều 21 Luật Tố cáo 2011 quy định về thời hạn giải quyết tố cáo thì “thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày”.

Quyền khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 (Điều 30) và được cụ thể hóa trong Luật Tố cáo năm 2011, theo đó, khi phát hiện những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì công dân có quyền tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và người giải quyết tố cáo có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo, nếu mang tính chất đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý quyền tố cáo.

Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày. Trong thời hạn nêu trên, Tổng cục THADS phải gửi thông báo bằng văn bản về giải quyết tố cáo cho người tố cáo. Thông báo kết quả giải quyết tố cáo phải nêu rõ kết luận nội dung tố cáo, việc xử lý người bị tố cáo, trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply