Như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến việc thi hành án căn nhà số 10 Kim Mã (nay là số 194 Kim Mã), Cục thi hành án dân sự TP Hà Nội đã thu hồi lại nhà đất tại địa chỉ này cũng là nhà đất mà gia đình ông Mai Công Ích đã sử dụng 18 năm nay để tiến hành kê biên, bán đấu giá lại. Vậy việc thi hành án lại dựa trên cơ sở nào và trong vụ việc này, Cục hi hành án dân sự TP Hà Nội kê biên và tổ chức bán đấu giá tài sản lại để thi hành án cho ai?
>> Mua đất làm nhà ở 18 năm vẫn bị kê biên bán đấu giá, một kiểu thi hành án “ậm ờ”?
>> Bài 2: Góc nhìn pháp lý vụ mua đất làm nhà ở 18 năm vẫn bị kê biên bán đấu giá
>> Hà Nội: Mua đất xây nhà ở 18 năm, cơ quan thi hành án bất ngờ vào kê biên bán đấu giá
Theo hồ sơ vụ việc mà gia đình ông Ích cung cấp thì ngày 11/8/2009, Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội (Cục THADS TP Hà Nội) ra Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS về việc thi hành án theo đơn yêu cầu, theo đó buộc bà Đặng Thị Lâm phải trả tiền cho ông Mai Công Ích và bà Nguyễn Thị Kim Oanh theo đúng bản án, quyết định, đồng thời tiếp tục kê biên diện tích 20m2 nhà đất tại số 10 (nay là số 194) phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội để đảm bảo thi hành án của bà Lâm đối với khoản nợ trên.
Việc nộp tiền vào Chi cục Thi hành án quận Ba Đình của ông Ích còn nguyên biên lai đóng dấu đỏ từ năm 1999.
Từ đó cho đến nay, mặc dù ông Ích liên tục có đơn khiếu nại gửi tới các cơ quan có thẩm quyền khiếu nại về những sai phạm của cơ quan thi hành án, bởi ông không có yêu cầu thi hành án mới mà bà Oanh thì đã không còn sống nữa, nhưng Cục THADS TP Hà Nội vẫn phớt lờ những ý kiến trên, tiếp tục kê biên, cưỡng chế và đã tổ chức bán đấu giá thành nhà đất tại số 194 Kim Mã, người mua tài sản cũng đã nộp tiền cho cơ quan có thẩm quyền đồng thời theo trả lời của các cơ quan chức năng thì thiệt hại của gia đình ông Ích sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc ban hành Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS về việc thi hành án theo đơn yêu cầu của Cục THADS TP Hà Nội đồng thời tổ chức bán đấu giá lại tài sản, Luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho rằng có rất nhiều điểm hoàn toàn không phù hợp với quy định của pháp luật, cần phải được làm rõ, cụ thể:
Thứ nhất, về việc ban hành Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS:
Căn cứ trên thông tin và hồ sơ vụ việc thì có thể khẳng định việc ban hành Quyết định số 1185/QĐ.THA-DS và Quyết định số 1187/QĐ.THS-DS năm 2009 của Cục THADS TP Hà Nội do Cục trưởng Lê Quang Tiến ký là không có căn cứ bởi vì:
Một là, Quyết định thi hành án theo yêu cầu trước đây dựa trên yêu cầu của người được thi hành án chưa bị hủy bỏ:
Ngày 02/5/1998, bà Oanh có Đơn yêu cầu thi hành án và Trưởng THADS quận Ba Đình đã ra Quyết định thi hành án số 214/THA về việc thi hành án.
Sau đó, ngày 16/01/1999, các bên có thỏa thuận về việc ông Ích sẽ mua lại căn nhà số 10 Kim Mã. Kể từ khi có bản thỏa thuận đến nay, theo ông Ích cho biết thì không có bất cứ văn bản nào về việc hủy bỏ Quyết định thi hành án số 214/THA mà chỉ có Quyết định số 602.1/THA ngày 05/4/2007 về việc hủy bỏ kết quả giải quyết tại biên bản giải quyết ngày 16/01/1999 của Chấp hành viên THADS quận Ba Đình (theo thông tin tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 09/QĐ.GQKN-CTHADS ngày 10/12/2015 của Cục THADS TP Hà Nội).
Mặt khác, xét về căn cứ để hủy bỏ quyết định thi hành án thì tại khoản 3 Điều 37 Luật THADS 2008 quy định về việc hủy bỏ quyết định về việc thi hành án như sau:
“3. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định huỷ hoặc yêu cầu huỷ quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:
a) Phát hiện các trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;
b) Quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.”.
Ở đây, trong suốt quá trình thi hành án, VKSND quận Ba Đình có Công văn số 303-KSTHA ngày 08/10/1999 trong đó xác định “Việc thi hành án quận Ba Đình thực hiện không đúng nội dung quyết định Bản án, vi phạm trình tự thủ tục thi hành án” (tức là có văn bản xác định quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật).
Luật sư Phan Thị Lam Hồng cho rằng 2 quyết định thi hành án theo yêu cầu được Cục thi hành án TP Hà Nội ban hành sau 10 năm khi người dân đã nộp tiền vào cơ quan thi hành án, xây nhà và sinh sống ổn định là không có căn cứ.
Tuy nhiên, Công văn 303 không phải là kết luận của cơ quan có thẩm quyền về Quyết định thi hành án có vi phạm pháp luật bởi vì: Theo quy định tại Luật tổ chức VKSND năm 1992 và Thông tư liên ngành số 981/TTLN ngày 21/9/1993 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp lệnh THADS thì khi thực hiện việc kiểm sát trong thi hành án, VKSND phải “ra quyết định xác định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi các vấn đề kiểm sát, thời điểm và thời gian tiến hành, kết thúc việc kiểm sát; phân công kiểm sát viên, cán bộ thực hiện và lập văn bản kết luận cuộc kiểm sát trực tiếp” và “Kháng nghị với Toà án, cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới, chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm thi hành án, nếu có vi phạm pháp luật; kháng nghị các quyết định thi hành án trái pháp luật. Điều này có nghĩa là Viện kiểm sát phải kháng nghị với cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có vi phạm pháp luật. Sau đó, kết quả giải quyết của các cơ quan này mới là kết luận cuối cùng về việc xác định có hay không vi phạm pháp luật trong quyết định thi hành án. Do đó, Công văn 303 cũng không phải là căn cứ để hủy bỏ quyết định thi hành án số 214 của THADS quận Ba Đình.
Như vậy, nếu chưa có văn bản (căn cứ vào quy định pháp luật) về việc hủy bỏ Quyết định thi hành án số 214 thì không có cơ sở để tiếp tục ban hành Quyết định số 1185 và 1187 về việc thi hành án theo yêu cầu.
Hai là, không hề có bất cứ Đơn yêu cầu thi hành án nào từ phía các đương sự kể từ thời điểm có sự thoả thuận giữa ông Ích, bà Oanh, bà Lâm về việc bán nhà đất 194 Kim Mã, trước sự cho phép và chứng kiến của Chấp hành viên:
Thời điểm mà thủ trưởng cơ quan thi hành án ra các quyết định thi hành án trên là năm 2009 tức là thời điểm Luật THADS năm 2008 đang có hiệu lực thi hành.
Mà tại khoản 2 Điều 36 Luật THADS năm 2008 quy định như sau:
“Điều 36. Ra quyết định thi hành án
2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.
Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.”.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 30 Luật THADS năm 2008 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Quyền yêu cầu thi hành án chỉ thuộc về người được thi hành án (cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành) và người phải thi hành án (cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành).
Như vậy, trong vòng 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực, người được thi hành án hoặc người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án được chủ động ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định, bản án đối với phần bản án, quyết định các vấn đề được quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật THADS năm 2008 (Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản…).
Trụ sở Cục thi hành án TP Hà Nội.
Xét trong vụ việc này, kể từ khi có Quyết định thi hành án số 214/THA và Biên bản thỏa thuận ngày 16/01/1999, ông Ích, bà Oanh và các đương sự khác đều không có bất cứ đơn từ nào yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành án lại đối với bản án, quyết định của Tòa án. Cho tới thời điểm có Quyết định số 1185 và Quyết định số 1187 thì đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án đồng thời cũng hết thời hiệu để yêu cầu thi hành án đối với các quyết định và Bản án của TAND quận Ba Đình, TAND TP Hà Nội năm 1998. Trong khi đó, tại hai quyết định này lại ghi rõ đây là Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu để thi hành khoản nợ của bà Lâm với ông Ích và bà Oanh. Vậy các quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu trên là căn cứ theo yêu cầu của ai? Đơn vị nào? Tại sao lại vẫn ban hành khi đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án? Đây là vấn đề cần được xem xét lại để đánh giá tính hợp pháp của hai quyết định thi hành án trên, đồng thời cũng làm rõ nguyên nhân tại sao lại xảy ra việc ban hành vô căn cứ hai quyết định này.
Thứ hai, về việc tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án:
Sau khi có các quyết định và bản án của Tòa án các cấp năm 1998, ông Ích và bà Oanh cùng bà Lâm đã có thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật, dưới sự chứng kiến của chấp hành viên và có văn bản thỏa thuận về việc ông Ích mua lại nhà đất của bà Lâm. Trên cơ sở thỏa thuận, ông Ích cũng đã nộp các khoản phí cũng như tiền mua tài sản cho cơ quan thi hành án đồng thời các đương sự cũng đã được thanh toán gần như đầy đủ khoản tiền đã cho bà Lâm vay mà không có bất cứ ý kiến nào phản đối việc thỏa thuận, thi hành án. Hiện bà Oanh cũng đã chết, ông Ích không có yêu cầu về việc kê biên và bán đấu giá lại tài sản mà mình đã bỏ tiền ra mua từ gần 20 năm trước, cơ quan thi hành án cũng không hề hoàn trả ông Ích số tiền ông đã nộp vào cơ quan thi hành án ngày đó.
Vậy Cục THADS TP Hà Nội lật lại vụ việc, kê biên và tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án cho ai? Số tiền mà ông Ích đã nộp cho cơ quan thi hành án để mua nhà, đồng thời số tiền này đã được cơ quan thi hành án Ba Đình thanh toán cho các chủ nợ của bà Lâm sẽ được giải quyết như thế nào, khi mà trong suốt hai thập kỷ qua, cơ quan thi hành án quận Ba Đình rồi tiếp đến là Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã không hề có thông báo trả lại tiền cho ông Ích? Rõ ràng, cơ quan thi hành án đã lật lại vụ việc một cách khó hiểu và không giải quyết các vấn đề theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, qua việc xem xét và đánh giá về việc ban hành Quyết định số 1185 và Quyết định số 1187 của Cục THADS TP Hà Nội có thể thấy rằng có rất nhiều điểm bất hợp lý trong việc ban hành hai quyết định này cần được làm sáng tỏ. Việc thi hành án liên quan tới căn nhà 194 Kim Mã đã hoàn thành xong từ rất lâu, các đương sự trong vụ việc có người còn sống, có người đã mất từ lâu và không có bất cứ ai có yêu cầu, đề nghị thi hành án lại. Bản thân người đang quản lý, sử dụng nhà ở không có yêu cầu bán đấu giá nhà đất của mình để thi hành án cho chính mình. Vậy thì việc kê biên, bán đấu giá lại tài sản có thực sự cần thiết và đúng pháp luật? Ai là người được lợi từ việc lật lại giải quyết vụ việc này? Gia đình ông Ích và dư luận vẫn đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Anh Thế
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.